Biên phòng - CV được ví như một bài PR đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng. Vì thế, làm thế nào để viết CV xin việc thu hút nhà tuyển dụng để nhận được lời mời phỏng vấn là mong muốn của bất kỳ ứng viên nào.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách viết CV thu hút. Có rất nhiều lỗi viết CV thường gặp mà nhà tuyển dụng rất “ghét” mà bạn nên tránh sau đây.
Sai chính tả, hành văn lủng củng
Viết đúng là yêu cầu căn bản của một CV. Rất nhiều bạn trẻ thường nhầm lẫn trong việc thể hiện cá tính bản thân bằng cách không theo tiêu chuẩn khi hành văn với những ngôn ngữ không chuẩn, sử dụng những tên không dấu, viết liền hay viết tắt… Nếu bạn nghĩ đó là cách gây ấn tượng, là cách thể hiện cá tính thì khả năng CV của bạn bị loại là rất cao.
Sai chính tả là lỗi “ngớ ngẩn” nhất nếu như vì nó mà CV của bạn bị loại. Bởi vậy, khi viết CV xin việc, bạn nên chú ý đến chính tả, cân nhắc lựa chọn ngôn từ, hành văn mạch lạc, cấu trúc khoa học để đảm bảo tạo ra thiện cảm tốt cho nhà tuyển dụng từ hình thức tới nội dung.
Thông tin cá nhân quá dài
Bạn đừng nghĩ, càng liệt kê chi tiết, không bỏ sót một thông tin cá nhân nào của bạn thì CV càng được chú ý. Bạn đừng nghĩ, bạn viết càng dài về thông tin cá nhân thì nhà tuyển dụng đánh giá cao. Quá nhiều thông tin cá nhân thực sự không tốt cho CV của bạn.
Thực tế, nhà tuyển dụng có hàng trăm CV ứng tuyển cho mỗi vị trí và họ thường không có quá nhiều thời gian để đọc tỉ mẩn từng CV, nhất là phần thông tin cá nhân. Bởi vậy, viết CV làm sao đủ nhất và trọng tâm nhất là điều bạn nên cân nhắc.
Bạn có thể bỏ qua những thông tin về chiều cao, cân nặng, những chi tiết về quá trình học tập, thành tích học tập, sở thích không liên quan tới vị trí ứng tuyển… nếu nhà tuyển dụng không có yêu cầu đặc biệt.
Khi viết CV xin việc bạn nên chắt lọc những thông tin cá nhân tiêu biểu, ngắn gọn, đủ để CV thể hiện được chân dung của bạn một cách đầy đủ nhất.
Liệt kê kinh nghiệm
Kinh nghiệm là phần đặc biệt trong CV ứng tuyển và được các ứng viên tập trung thể hiện. Nhưng có một lỗi mà nhà tuyển dụng rất “ghét” chính là cách ứng viên thể hiện kinh nghiệm của họ theo kiểu liệt kê.
Không phải tất cả những công việc bạn đã trải qua bạn đều viết trong CV; không phải cứ liệt kê không thiếu mốc thời gian nào, công việc nào là bạn giàu kinh nghiệm. Nếu bạn đi làm 10 -15 năm thì kinh nghiệm của bạn sẽ dài tới đâu? Nếu bạn thường xuyên nhảy việc thì bạn đã trải qua biết bao công việc? Nếu bạn ứng tuyển một công việc trái ngành thì kinh nghiệm bạn viết ra có phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển?
Chưa kể đã liệt kê kinh nghiệm lại không theo mốc thời gian, thể hiện sự tùy tiện và thiếu chỉn chu của bạn.
Thế nên, hãy viết phần kinh nghiệm để nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên tốt nhất đáp ứng được yêu cầu của vị trí ứng tuyển, không quan trọng là bạn có bao nhiêu năm đi làm, đi qua bao nhiêu công ty…
Kỹ năng không phù hợp vị trí ứng tuyển
Nhà tuyển dụng thường đánh giá rất cao phần kỹ năng của ứng viên, thậm chí hơn cả chuyên môn. Nhưng không phải vì thế mà bạn liệt kê những kỹ năng mà thực tế bạn không có hoặc không phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Kỹ năng không phù hợp sẽ không có tác dụng thậm chí còn phản tác dụng. Nó chỉ chứng tỏ bạn không phù hợp với vị trí ứng tuyển. Kỹ năng bạn không thực sự sở hữu cũng vậy. Bạn đừng nghĩ, bạn có thể “lừa” nhà tuyển dụng. Chỉ cần thông qua cách bạn viết CV, cách viết email ứng tuyển, nhà tuyển dụng đã đánh giá phần nào kỹ năng của bạn. Thậm chí nếu bạn có lọt vào vòng phỏng vấn thì bạn cũng sẽ bị nhà tuyển dụng “ghét” nếu đó là kỹ năng bạn không thực sự sở hữu.
Thay vào đó, bạn nên chắt lọc những kỹ năng thật sự nổi bật, phù hợp với vị trí ứng tuyển. Đó mới là cách giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Ngoài những lỗi trên thì khi viết CV xin việc bạn cũng không nên đề cập tới mức lương, chế độ mong muốn hay những ngôn từ, nhận định mang tính tiêu cực về công ty cũ, sếp cũ…
Nguyễn Lý