Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 08:42 GMT+7

4 điều không nên nói về điểm yếu khi phỏng vấn

Biên phòng - Rất nhiều ứng viên lo sợ và lúng túng khi phải nói về điểm yếu khi phỏng vấn vì các bạn thường có tâm lý sợ bị coi thường, sợ bị so sánh với ứng viên khác. Do đó bạn không dám nhìn vào sự thật, hoặc bạn không biết nên chọn điểm yếu nào nên trả lời theo kiểu “nghĩ gì nói đó”.

Cách trả lời “tùy tiện” như vậy rất khó để bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Bởi có những điểm yếu nếu “dại dột” chia sẻ khi trả lời về điểm yếu sẽ bị nhà tuyển dụng “đánh trượt” ngay lập tức.

Dưới đây là những điều không nên nói khi nói về điểm yếu trước nhà tuyển dụng, hãy cùng tham khảo để đạt kết quả tốt khi tìm việc mới nhất ở Đà Nẵng, Nha Trang và bất kỳ nơi nào khác.

Đưa điểm yếu hoàn toàn không liên quan tới công việc

Nhiều bạn có suy nghĩ sẽ an toàn nếu đưa ra điểm yếu không liên quan gì tới công việc. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy. Bạn cần hiểu mục đích nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này. Họ muốn biết, bạn đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về công việc chưa; bạn có hiểu bản thân và năng lực nào phù hợp với công việc, và cản trở công việc.

Nếu đưa điểm yếu ngẫu nhiên trong đời sống hàng ngày, hoàn toàn không liên quan tới công việc thì chứng tỏ, bạn không hiểu mục đích nhà tuyển dụng. Quan trọng hơn, nó cho thấy bạn chưa hiểu rõ bản thân, không biết khả năng có thể đóng góp cho công việc là gì.

Câu hỏi về điểm yếu cũng là một trong những câu hỏi khó, nên cách tốt nhất khi trả lời là bạn hãy tập trung vào mục đích nhà tuyển dụng muốn.

Đừng chọn phương án an toàn để rồi “lạc đề”. Hãy tìm ra mối liên hệ giữa một số hạn chế của bạn có liên quan tới công việc ứng tuyển và chia sẻ khéo léo với nhà tuyển dụng.

Điểm yếu cản trở sự thành công

Khi đưa điểm yếu liên quan tới công việc, bạn cần suy nghĩ kỹ. Theo đó,điểm yếu liên quan đến công việc nhưng phải dễ thay đổi.

Bạn không nên đưa điểm yếu mang tính cố hữu sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về khả năng thay đổi của bạn. Thêm nữa, đó nên là điểm yếu có mức độ gây cản trở tới công việc thấp, không ngăn cản khả năng thành công của bạn.

Bạn không nên chọn những điểm yếu liên quan trực tiếp nhất tới công việc. Ví dụ, ứng tuyển vào vị trí chăm sóc khách hàng, bạn không nên nói điểm yếu là giao tiếp kiếm; ứng tuyển vị trí kế toán, bạn không thể nói kỹ năng excel kém... Vì đây là năng lực cốt lõi, quyết định sự thành công của bạn với công việc đó. Nhà tuyển dụng sẽ không ưu tiên chọn ứng viên thiếu năng lực quan trọng này.

Cố tình biến điểm yếu thành điểm mạnh

Nhiều bạn khẳng định với nhà tuyển dụng không có điểm yếu nào với hi vọng được họ đánh giá là hoàn hảo. Tuy nhiên, ai cũng có điểm yếu nên đây không phải là câu trả lời thuyết phục được nhà tuyển dụng.

Với một số bạn cố tình biến điểm yếu thành điểm mạnh cũng vậy. Bạn học ở đâu đó công thức này nhưng lại áp dụng nó một cách sáo rỗng, máy móc. Quan trọng hơn, những thứ bạn nói không phải là điều bạn suy nghĩ hay đang làm nên khó thuyết phục nhà tuyển dụng. Với kinh nghiệm phỏng vấn, họ dễ dàng nhận ra sự không chân thành của bạn.

Sự không trung thực, cố tình giấu dốt sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá là khó thay đổi, khó huấn luyện. Họ sẽ không ưu tiên lựa chọn ứng viên như vậy.

Do đó, không nhất thiết phải tìm mọi cách che giấu điểm yếu. Chỉ cần chọn điểm yếu phù hợp, khéo léo chỉ ra mặt tích cực đằng sau điểm yếu đó hoặc điểm yếu đó dễ dàng thay đổi là bạn đã có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Không thể hiện sự cố gắng sửa chữa và thay đổi

Bạn có thể được đánh giá cao không phải ở các điểm mạnh mà có thể ở chính cách bạn đối diện và nỗ lực sửa chữa, thay đổi một điểm yếu. Bởi vậy, điều quan trọng bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy qua câu hỏi này là thái độ cầu thị, sẵn sàng học hỏi; là mức độ hiểu rõ cản trở của điểm yếu với công việc và cần thay đổi.

Ví dụ, trước kia bạn là người nóng vội, thiếu kiên trì nhưng bạn đã tích cực sửa chữa, thay đổi và hiện bạn đã đủ kiên nhẫn để hoàn thành lắp ghép một bộ mô hình trong thời gian 2 ngày.

Do đó, câu trả lời được nhà tuyển dụng đánh giá cao sẽ không dừng lại ở việc chỉ thừa nhận điểm yếu. Điều quan trọng, cần cho nhà tuyển dụng thấy, bạn nhận ra điểm yếu đó, đang và sẽ từng bước sửa đổi.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự chủ động của bạn trong quá trình cải thiện bản thân, và phát triển bản thân tốt hơn. Bạn đã sẵn sàng học tập, sẵn sàng được huấn luyện để nâng cao năng lực, để hoàn thành tốt công việc.

Trên thực tế, câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?” không nên chờ “được hỏi” mới tìm cách trả lời. Hãy sử dụng nó để chất vấn bản thân trong suốt quá trình làm việc. Đặc biệt, khi tìm được công việc yêu thích, hãy tự hỏi bạn có đặc điểm gì phù hợp, điểm gì cần phải thay đổi. Chắc chắn bằng cách này, khi được nhà tuyển dụng hỏi, bạn sẽ biết rõ mình cần nói gì và không nên nói gì để lấy trọn điểm trong buổi phỏng vấn.

Nguyễn Lý

Bình luận

ZALO