Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 04:57 GMT+7

32 năm tìm nơi cha nằm xuống

Biên phòng - Suốt 32 năm qua, Trung tá Nguyễn Viết Bình (sinh năm 1969), BĐBP Quảng Nam không ngừng đi tìm kiếm thông tin về người cha của mình là liệt sĩ Bùi Tri, hy sinh năm 1970 và đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Trung tá Nguyễn Viết Bình trong một lần đi tìm mộ cha của mình. Ảnh: Văn Chương

Niềm mong mỏi bắt nguồn từ nỗi nhớ thương

32 năm về trước, có một cậu thanh niên trẻ ở thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã viết lá thư tha thiết xin được nhập ngũ. Người cán bộ tuyển quân thời điểm đó đã giải thích “cậu là con liệt sĩ, cha mẹ đều hy sinh, bà con cũng mất gần hết, được miễn nghĩa vụ quân sự rồi”. Nhưng cậu thanh niên gầy gò này vẫn kiên trì giải thích về việc cha mẹ từng là người lính cầm súng bảo vệ quê hương, bây giờ cậu phải nhập ngũ để trở thành bộ đội. Cán bộ tuyển quân hỏi: “Ước mơ của em sau này là gì?”. Bình trả lời ngay: “Mong ước trở thành người lính, sau đó, sẽ đi tìm mộ người cha chưa từng biết mặt”.

Câu chuyện của 32 năm về trước sau hàng chục năm vẫn bồng bềnh trong giấc ngủ của người lính giờ đã mang quân hàm Trung tá và sang năm 2023 là chuẩn bị nghỉ hưu. Trung tá Bình hạ giọng nói nhỏ nhẹ: “Anh mong hoài mà sao cha không thấy về, cứ thầm mong là tối ngủ sẽ thấy cha về báo mộng, chỉ chỗ cha nằm xuống, nhưng cầu mong riết mà không thấy chi hết trơn”.

Tôi gặp Trung tá Bình vào những ngày đầu tháng 7, khi nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” và khu vực tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam) luôn nghi ngút khói hương. Tỉnh Quảng Nam có tới 11.659 mẹ được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng và phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đi khắp các làng quê, nơi nào cũng có những câu chuyện như gia đình Trung tá Bình.

Trung tá Bình hiện nay đang công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Nam. Mái tóc của cậu thanh niên trẻ ngày nào từng viết đơn xin nhập ngũ giờ đã điểm bạc một phần. Trung tá Bình cười và nói rằng: “Anh đã dành trọn cuộc đời của mình trong lực lượng BĐBP, xem như thỏa ý nguyện của cha và mẹ”.

Suốt thời gian quân ngũ hơn 30 năm, hết làm nhiệm vụ trên rừng rồi lại xuống tuyến biên giới biển, tới nơi nào anh cũng tìm các cựu chiến binh để hỏi dò về người cha của mình.Tôi hiểu, niềm mong mỏi đó bắt nguồn từ nỗi nhớ thương của một cậu bé mất cả cha lẫn mẹ khi mới 1 tuổi. Người nuôi anh Bình khôn lớn là vợ của người chú ruột cũng hy sinh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Tần tảo nuôi con, cháu

Người dân ở thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ đều tỏ lòng bùi ngùi, cảm phục khi nhắc đến gia cảnh của bà Lê Thị Diên. Chồng bà Diên là du kích địa phương, hy sinh năm 1969; năm sau, anh chồng và chị dâu (cha mẹ của anh Nguyễn Viết Bình) cũng lần lượt ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Một mình bà Diên phải nén nỗi đau mất mát to lớn để nuôi cháu, nuôi con còn đỏ hỏn. Ở thời điểm đó, cậu bé Bình chưa cảm nhận hết được nỗi đau, chỉ biết bà thím luôn trào nước mắt và ôm cậu với người con trai là Bùi Đi (sinh năm 1970).

Cậu bé Bình ngày đó thèm khát sữa, thèm hơi ấm của cha mẹ nên luôn rúc vào lòng thím có dáng người gầy gò. Bà Diên vừa lo cấy cày để kiếm sống, vừa cắp nách 2 cậu bé hết chạy giặc càn, rồi lại tránh bom đạn của kẻ thù. Cũng có những người dân ở nơi này không chịu nổi súng đạn ác liệt đã bỏ đi nơi khác, nhưng bà vẫn bám đất, giữ làng để tham gia phục vụ cách mạng. Ngôi làng của bà đầy cát trắng ngùn ngụt, không có địa hình hiểm trở, không có đồi núi để có thể lẩn tránh cái nhìn sục sạo của tụi lính ngụy vào làng. Vậy là mỗi khi có chuyện nguy hiểm, bà lại ôm con và cháu chạy sâu vào xóm cát, giữa rừng phi lao.

Ngoài việc lo chạy bữa ăn từng ngày, bà Diên còn tính toán làm sao cả 2 cậu bé đến tuổi được đi học, để có tương lai tốt đẹp hơn. Ước nguyện của người phụ nữ kiên trung cuối cùng cũng thành hiện thực vào năm 1975, đất nước được giải phóng và 2 cậu bé cũng vừa đến tuổi đến trường. Hai anh em cách nhau 1 tuổi, nhưng lại học chung với nhau từ lớp 1 đến hết lớp 12. Nhiều người dân thương tình cảnh của 2 cậu bé mồ côi đã chia sẻ, giúp đỡ. Cậu bé Bình thỉnh thoảng nói với em: “Học xong cấp 3 là anh xung phong đi bộ đội”, còn người em thì ước mơ trở thành giáo viên.

Trung tá Nguyễn Viết Bình cùng đồng đội thắp hương tại tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Văn Chương

Động viên cháu nhập ngũ

Tháng 9/1990, chàng thanh niên Nguyễn Viết Bình, lúc đó 21 tuổi và xin tình nguyện đi bộ đội. Bà Diên nghe tin này đã động viên cháu cố gắng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đồng thời, phấn đấu để phục vụ lâu dài trong Quân đội. Bà luôn dõi theo người cháu từ lúc được đưa về huấn luyện tại quận Sơn Trà, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời kỳ chưa tách tỉnh), sau đó, về tuyến biên giới miền núi huyện Tây Giang để làm nhiệm vụ.

Lớn lên không có cha, thiếu vắng bóng mẹ, vì vậy, sự động viên của bà Diên đã trở thành động lực to lớn để người lính Nguyễn Viết Bình khắc phục mọi khó khăn, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau nhiều năm luân chuyển qua một số đồn Biên phòng gian khó nhất trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Quang Nam, năm 2021, Trung tá Nguyễn Viết Bình được cấp trên điều động về công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Nam. Đơn vị đóng quân chỉ cách ngôi nhà của người thím đã nuôi anh Bình khôn lớn chừng 15 phút đi bộ. Vậy là anh có điều kiện thăm nom, hương khói cho bàn thờ người chú ruột và bà nội (Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bay). Lần nào anh cũng khấn nguyện, mong một ngày sẽ tìm được mộ cha để đưa về hài cốt về đoàn tụ cùng những người thân đã khuất.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO