Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

3 ngân hàng Mỹ sụp đổ có phải là lo ngại lớn?

Biên phòng - Có tới 3 ngân hàng ở Mỹ đã “sụp đổ” chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày đang đặt ra nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Song, theo quan điểm của các nhà lãnh đạo và giới chuyên gia, sẽ khó có “cú sốc” tạo hiệu ứng dây chuyền đối với hệ thống tài chính, ngân hàng vào thời điểm hiện tại.

Đại diện FDIC nói chuyện với khách hàng bên ngoài trụ sở SVB ở bang California, Mỹ vào ngày 13/3/2023. Ảnh: Reuters

Điểm lại những “dấu mốc” chính trong vụ ngân hàng phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ vừa qua, ngày 8/3, ngân hàng tiền ảo Silvergate Capital với 11 tỷ USD tuyên bố đóng cửa bằng cách chấm dứt hoạt động và thanh lý tài sản. Tiếp đó, ngày 10/3, Công ty Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) với tài sản trị giá khoảng 212 tỷ USD. Ngày 12/3, ngân hàng trong lĩnh vực tiền số Signature Bank với tài sản lên tới 114 tỷ USD cũng tuyên bố đóng cửa.

Trong vụ 3 ngân hàng sụp đổ này, giới chuyên gia chỉ ra rằng, sự kiện FDIC tiếp quản SVB là “tâm điểm” và vụ việc này cũng đánh dấu chính thức vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008. Theo giới chuyên gia, sự kiện vừa qua chỉ là “dấu mốc”, bởi số phận SVB thực chất đã được định đoạt sẵn từ gần 2 năm trước khi thị trường chứng khoán bùng nổ, lãi suất gần bằng 0, các nhà khởi nghiệp công nghệ phát triển. Thời điểm này, SVB đã trải qua “cơn mưa tiền gửi” từ các công ty khởi nghiệp và số tiền gửi tại SVB đã tăng từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD, dẫn tới tình trạng thừa thanh khoản. Để kiếm lợi nhuận, SVB đầu tư mạnh tay vào trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán được Chính phủ Mỹ hậu thuẫn với tổng giá trị khoảng 120 tỷ USD. Trong số đó, có 91 tỷ USD là trái phiếu bị “khóa chặt” với kỳ hạn có thể lên tới 10 năm, nhưng lãi suất chỉ bình quân khoảng 1,64%.

Từ năm 2022 đến nay, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 8 lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất dao động khoảng 4,5 - 4,75%, ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Điều này đã dẫn tới số lượng trái phiếu của SVB “lỗ nặng”. Những ngày đầu tháng 3/2023, SVB đã có động thái bán lỗ một lượng lớn trái phiếu để đáp ứng nhu cầu rút tiền và tài trợ các khoản vay mới. Động thái của SVB đã khiến khách hàng lo lắng rằng SVB đang gặp rắc rối và “làn sóng” đổ xô đến SVB rút tiền xảy ra.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thống kê cho hay, riêng trong ngày 9/3/2023, có tới 42 tỷ USD được rút khỏi SVB, tương đương 1/5 tổng tài sản của ngân hàng này. Trước áp lực rút tiền như bão táp, SVB cạn tiền và FDIC đến tiếp quản. Cũng theo truyền thông quốc tế, SVB sụp đổ chóng vánh trong chưa đầy 48 giờ và 2 ngày sau đó, Signature Bank “nối gót” phá sản.

Giới quan sát chỉ ra rằng, dù SVB sụp đổ một cách chóng vánh, song, phản ứng từ Chính phủ Mỹ không hề lúng túng, mà lập tức có những hành động rất nhanh nhạy. Bộ Tài chính Mỹ, Fed và FDIC đều chung khẳng định, người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ và người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc giải quyết hậu quả của SVB. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lập tức “đăng đàn” khẳng định, tiền gửi của người dân có sẵn khi người dân cần. Giới quan sát đánh giá, đây là các động thái trấn an quan trọng, ngăn chặn tình trạng hoang mang lan rộng, mang tới một khoảng thời gian cần thiết để xử lý vấn đề.

Theo bình luận của giới chuyên gia, sự kiện 3 ngân hàng sụp đổ vừa qua tại Mỹ có nhiều khác biệt so với câu chuyện tương tự xảy ra vào năm 2008. Dễ thấy nhất là phản ứng của giới lãnh đạo Mỹ được đánh giá khá cao và tạo ra sự tin tưởng lớn đối với hiệu lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng dây chuyền. Cũng theo giới chuyên gia kinh tế Mỹ, thực chất các ngân hàng lớn ở siêu cường quốc này đều đang trong tình trạng rất “khỏe” nên việc người dân luân chuyển dòng tiền của mình sang các ngân hàng hoạt động tốt là một giải pháp tích cực đối với tổng thể nền kinh tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO