Biên phòng - Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn khiến lĩnh vực thể thao trong nước và thế giới trải qua một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới, nhiều giải đấu thể thao đã vượt qua khó khăn để kết thúc trọn vẹn.
Hàng loạt giải đấu thể thao trong nước bị hoãn, hủy
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến chặng đua F1 đầu tiên trong lịch sử tại Việt Nam (dự kiến tổ chức vào tháng 4-2020) đã bị hoãn và sau đó là hủy. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho Ban tổ chức và cũng là sự tiếc nuối vô cùng lớn đối với người hâm mộ môn thể thao tốc độ này.
Quyết định này đã nâng tổng số chặng đua công thức 1 bị hủy do đại dịch Covid-19 ở mùa giải năm nay lên con số 13 gồm: Australia, Trung Quốc, Hà Lan, Monaco, Azerbaijan, Canada, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Mexico, Brazil và Việt Nam.
Tổng số chặng đua được tổ chức trong mùa giải năm nay là 17, tuy nhiên, hầu hết các chặng đã diễn ra đều theo hình thức… không có khán giả. Một hệ lụy khách quan nữa là việc các đội tuyển thể thao quốc gia đã không thể tham dự các giải thi đấu quốc tế.
Cho tới tháng cuối cùng của năm 2020, khi các giải đấu thể thao cấp quốc gia cuối cùng đang hoặc chuẩn bị được tiến hành thì những diễn biến đầy bất ngờ và phức tạp của tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Bất đắc dĩ, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã phải ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu dừng mọi giải đấu trên địa bàn.
Thể thao Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19
Đầu tháng 5-2020, thời điểm đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát cơ bản được khống chế, lịch thi đấu điều chỉnh của toàn bộ các môn thể thao thành tích cao đã được ban hành. Theo đó, đa số các môn đều đảm bảo tổ chức tối thiểu giải vô địch quốc gia và giải trẻ toàn quốc trong thời gian 7 tháng còn lại. Trong đó, bóng đá - môn thể thao chịu nhiều ảnh hưởng, tác động và thiệt hại nhất từ dịch bệnh - tính đến đầu tháng 12 đã tổ chức xong tới 16 giải thuộc hệ thống quốc gia chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã tổ chức thành công hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đảm bảo chuyên môn tốt, thậm chí còn được ghi nhận là đã rất nhạy bén và sáng tạo khi điều chỉnh điều lệ để giúp giải V.League và hạng Nhất tận dụng tốt quỹ thời gian hạn hẹp còn lại.
Cuộc đua giành ngôi vô địch V.League 2020 diễn ra quyết liệt và gay cấn tới tận lượt trận cuối cùng khi câu lạc bộ (CLB) Viettel đã vượt qua Hà Nội FC để trở thành “tân vương”. Trong khi đó, CLB Bình Định là nhà vô địch ở giải hạng Nhất và trở lại thi đấu tại V.League 2021 sau 12 năm vắng bóng.
Cùng với việc tổ chức thành công các trận đấu còn lại tại V.League và hạng Nhất 2020, hệ thống các giải thể thao đỉnh cao khác cũng được tiến hành một cách gấp gáp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Ở môn điền kinh, giải vô địch quốc gia 2020 được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) cũng được đánh giá là có chất lượng rất cao. Nhiều thành tích ấn tượng và kỷ lục quốc gia (KLQG) đã được thiết lập tại giải đấu như: Lê Tú Chính giành tới 5 Huy chương Vàng (với thông số chạy 100m vượt cả Huy chương Vàng SEA Games 30); Ngần Ngọc Nghĩa lập KLQG mới ở nội dung 100m nam; Nguyễn Thị Oanh giành 4 Huy chương Vàng và có thêm 1 KLQG mới...
Môn bơi cũng được tổ chức với sự tham dự của nhiều vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất. Trong đó, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đem về tới 14 Huy chương Vàng, góp phần quyết định vào ngôi đầu tuyệt đối của đoàn quân đội.
Một môn thể thao Olympic vô cùng quan trọng khác là bắn súng cũng đã tổ chức thành công giải vô địch quốc gia và giải trẻ toàn quốc. Theo đó, giải vô địch quốc gia ghi dấu với việc xác lập thêm 5 KLQG mới (trong số 8 lượt kỷ lục bị phá), cùng sự thống trị của đoàn quân đội (19 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng - gần gấp đôi số Huy chương Vàng của đoàn thứ 2 là Hà Nội với 10 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 12 Huy chương Đồng).
Ngoài những môn Olympic mũi nhọn kể trên, hàng loạt các môn thể thao khác như: Bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt, boxing, cờ vua, cờ tướng… cũng tổ chức rất thành công các giải đấu cấp quốc gia của mình, tạo nền tảng vững chắc về chuyên môn trong bối cảnh thể thao toàn cầu cùng “lắng đọng” vì dịch Covid-19. Trong đó, đội tuyển bóng chuyền Biên Phòng có 1 năm thi đấu thành công khi lần lượt giành chức vô địch ở Cúp các CLB trẻ (tại Bắc Giang), Cúp Quân đội mở rộng (tại Gia Lai) và giải vô địch U23 toàn quốc (tại Đắk Nông).
Nhiều giải đấu thể thao phong trào để lại ấn tượng
Dấu ấn đầu tiên phải kể tới chính là phong trào điền kinh, đặc biệt là các nội dung Marathon và các giải việt dã được tổ chức trên toàn quốc với tính chuyên nghiệp và quy mô ngày càng lớn.
Giải VPBank Marathon - sự kiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch lựa chọn để chào mừng “Năm Chủ tịch ASEAN 2020” của Việt Nam. Lần đầu xuất phát lúc 0 giờ ngày 18-10 với lịch trình qua hàng loạt con phố với những di sản, di tích đặc biệt của Hà Nội đã thu hút tới hơn 5.000 VĐV cả chuyên nghiệp lẫn phong trào tham dự.
Giải VnExpress Marathon Midnight 2020 cũng diễn ra lúc 0 giờ ngày 28-11, thêm một “đêm không ngủ” vô cùng ấn tượng của gần 5.500 người yêu thích môn chạy bộ đến từ khắp cả nước.
Trong tháng 11-2020, đã có tới 2.200 VĐV tham gia giải chạy việt dã vượt núi Việt Nam 2020 tại Sapa (Lào Cai). Đặc biệt, dù thiếu vắng những VĐV đến từ nước ngoài, nhưng cuộc đua vẫn có sự tham dự của các “chân chạy” quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam thuộc 41 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...
Cùng với đó, phong trào thi đấu ở nhiều môn thể thao khác như bóng bàn, billiards, bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, cầu lông, quần vợt... cũng diễn ra sôi nổi. Nhiều giải được tổ chức bài bản nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Nam Anh