Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 01:53 GMT+7

14 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Chiều 18-12, Bộ Y tế tổ chức bàn giao 14 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa 3, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I được đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội về công tác tại vùng núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

96358xzhci-8542_f_jptuvqcj1_a
Bộ Y tế bàn giao 14 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

14 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, khóa 3 đều là những người tốt nghiệp loại khá, giỏi tại trường Đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y-Dược khác. Họ tiếp tục được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội trong vòng 24 tháng và nhận bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I, chứng chỉ hành nghề. Khi tình nguyện đi công tác vùng khó khăn, các bác sĩ được hưởng chế độ đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”. Sau thí điểm, Bộ Y tế sẽ xem xét xây dựng văn bản quy định trách nhiệm với cộng đồng các bác sĩ trẻ tình nguyện. Theo đó, các bác sĩ trẻ trước khi được tuyển dụng, bổ nhiệm cần có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng khó khăn để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão, năng lực, phục vụ đồng bào ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Theo Bộ Y tế, nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo là gần 600 người thuộc 15 chuyên khoa. Bộ Y tế quyết định triển khai Dự án từ năm 2013, nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, để đến năm 2020 ngành y tế sẽ đưa hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Hiện Dự án đã tiến hành đào tạo 13 khóa chuyên khoa cấp I cho 300 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành trong 24 tháng. Các bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp sẽ về công tác tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Sau thời gian công tác ở cơ sở, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn, tạo cơ hội cho người dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội. Vì vậy, các thầy thuốc trẻ phát huy kiến thức y học đã được đào tạo, tích cực tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Dự án sẽ được thực hiện thành công. 

Danh Anh - CTV

Bình luận

ZALO