Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

100 triệu đồng cho mỗi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Biên phòng - Đó là số kinh phí dành cho các tác giả lọt vào vòng chung kết tại cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động.

cljkmu406h-27684_f_k99n6nny1_IMG_0409
 “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” sẽ góp phần giúp các địa phương ven biển giữ được môi trường trong sạch vốn có. Ảnh: Bích Nguyên

Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi để tăng tỉ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý và tái chế rác thải nhựa, đồng thời thúc đẩy giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần với mong muốn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này và đạt mục tiêu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030 trên toàn cầu.

Mục tiêu của cuộc thi là tìm kiếm và hỗ trợ các mô hình/đề xuất/ý tưởng với từng dự án cụ thể: Các giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế) nhằm giảm thiểu, xử lý và quản lý tốt hơn vấn đề rác thải nhựa tại 3 tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Rạch Giá và Phú Yên; nâng cấp, tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Phú Quốc.

Đối tượng dự thi là mọi cá nhân hay tổ chức có mô hình/đề xuất/ý tưởng và muốn triển khai ý tưởng tại 3 tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Rạch Giá, Phú Yên và huyện đảo Phú Quốc (không phân biệt độ tuổi, giới tính, quốc tịch, trình độ văn hoá hay quy mô, lĩnh vực).

Ban tổ chức cho biết, 4 đội thắng cuộc sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ lên tới 100 triệu đồng/đội để triển khai mô hình thực tế tại địa bàn dự thi.

Cuộc thi bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (tìm kiếm ý tưởng), Ban tổ chức sẽ chọn ra 12 đội (3 đội/địa phương) vào vòng chung kết tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ngày 8-8-2020. Các hồ sơ được chọn sẽ được các chuyên gia hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý doanh nghiệp cũng như kiến thức về quản lý và xử lý chất thải để có thể hoàn thiện mô hình/đề xuất/ý tưởng trước khi trình bày tại vòng chung kết.

Giai đoạn 2, triển khai thực tế các sáng kiến tại Đà Nẵng, Rạch Giá, Phú Yên, Phú Quốc, từ 8-2020 đến tháng 7-2021.

Hạn nộp hồ sơ dự thi đến hết ngày 15-6-2020 theo hồ sơ đăng ký mẫu của cuộc thi tại: www.tiny.cc/innovation_contest.

Được biết, nhiều dự án giảm rác thải nhựa đã được WWF-Việt Nam triển khai trên cả nước, trong đó có dự án: Phú Quốc - Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa, được thực hiện tại huyện đảo Phú Quốc cho giai đoạn 2018-2020 và dự án “Đô thị giảm nhựa - Plastic Smart Cities” tại Việt Nam triển khai tại ba thành phố là Phú Yên, Đà Nẵng và Rạch Giá trong giai đoạn 2019-2021. Đây là một trong những nỗ lực của WWF-Việt Nam nhằm góp phần đạt được mục tiêu toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Theo WWF trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa. Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn. Giữa bang California và Hawaii đã xuất hiện một vùng biển bị che phủ bởi rác nhựa nổi, với diện tích lên tới 1.6 triệu km2, được các nhà khoa học đặt tên là “Bãi Rác Khổng Lồ của Thái Bình Dương” - “The Great Pacific Garbage Patch”. Tác hại của nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng khi có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác thải, đó là chưa kể đến hậu quả đối với sức khỏe con người.

Cũng trong năm 2010, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được quản lý đổ ra biển, Việt Nam đứng thứ tư trong số năm quốc gia xả rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Trong bối cảnh rác thải nhựa đã trở thành một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia và toàn cầu, tổ chức WWF-Việt Nam, với vai trò là một thành viên của mạng lưới toàn cầu WWF với sáng kiến Thiên Nhiên Không Rác Nhựa - No Plastic in Nature, kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng xây dựng nên những thành phố tiêu dùng nhựa thông minh trên khắp cả nước.

Để đạt được mục tiêu này, WWF-Việt Nam đang thực hiện đồng thời nhiều dự án giảm rác thải nhựa tại Phú Quốc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO