Biên phòng - Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức mới đối với nhân loại. Trong gian nan chồng chất, thế giới cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi, điểm tô những gam màu sáng trầm trong năm qua. Báo Biên phòng giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2021 do truyền thông quốc tế bình chọn.

1. Hiệp ước quốc tế về ứng phó với dịch bệnh
Đầu tháng 4-2021, cộng đồng quốc tế đã ghi một dấu mốc mới trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch toàn cầu Covid-19 khi cùng chung ý chí thiết lập Hiệp ước quốc tế về ứng phó dịch bệnh với mục tiêu củng cố kiến trúc y tế toàn cầu. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và giới chuyên gia cho rằng, hiệp ước quốc tế này là một thành công quan trọng của nhân loại.
Đến nay, nhiều nước đã điều chỉnh từ chính sách “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”, đẩy mạnh tiêm chủng đại trà và áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine nhằm kiểm soát dịch bệnh, giúp kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi vào những tháng cuối năm.
2. COP26: Thế giới đạt đến “dấu mốc” mới
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Anh vào đầu tháng 11-2021 đã hiện thực hóa kỳ vọng trở thành hội nghị lịch sử của nhân loại. Với cam kết mạnh mẽ, những đề xuất tiềm năng, cụ thể của nhiều quốc gia, COP26 đã cho thấy, thế giới đang chuyển mình tích cực khi cùng chung ý chí và nỗ lực hợp tác đa phương để thích ứng với các mối nguy hại do biến đổi khí hậu gây ra.

3. Kết thúc 20 năm chiến tranh Afghanistan
Giữa tháng 8-2021, phong trào Taliban nắm quyền điều hành Afghanistan trong sự ngỡ ngàng của cộng đồng quốc tế vì sự thần tốc tiến quân đến Thủ đô Kabul. Taliban cũng tuyên bố kết thúc gần 20 năm chiến tranh để quốc gia Nam Á này bước vào một thời kỳ hòa bình và phát triển ổn định.
Theo giới quan sát khu vực, việc chiếm được chính quyền Afghanistan đã thay đổi vị thế của phong trào Taliban, cũng như thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân trên đất nước được mệnh danh là “ngã tư” châu Á này. Sự thống nhất của Afghanistan được ví như một “điểm sáng” quan trọng trong bức tranh thế giới năm qua.

4. Khủng hoảng năng lượng - thách thức mới của thế giới
Năm 2021, hàng loạt diễn biến tiêu cực đối với an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia tạo nên mối nguy khan hiếm năng lượng nghiêm trọng. Nổi bật như: Trung Quốc phải cắt điện luân phiên; các nhà máy tại Ấn Độ chật vật tìm nguồn nhiên liệu than; giá nhiên liệu tăng vọt tại châu Âu, Đông Á, Mỹ... Sự suy yếu kinh tế - xã hội trong 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 cộng hưởng với khan hiếm năng lượng khiến thời kỳ khủng hoảng này ngày càng tồi tệ. Để có giải pháp căn cơ trước những thách thức, thế giới cần có những cuộc cải cách, cải tổ thị trường sâu, rộng khắp từ cấp quốc gia, khu vực đến toàn cầu trong thời gian tới.
5. ASEAN nỗ lực tìm giải pháp cho ổn định và phát triển khu vực
Trong năm qua, ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về giải quyết tình hình Myanmar, nhất trí thúc đẩy hợp tác ứng phó với Covid-19, khôi phục kinh tế và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
ASEAN cũng ghi dấu ấn về đối ngoại với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Australia, trao quy chế Đối tác đối thoại đầy đủ cho Vương quốc Anh, thể hiện vai trò trung tâm của Hiệp hội trong hợp tác với các đối tác, tổ chức bên ngoài khu vực.
6. Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường sau 16 năm
Ngày 26-10-2021, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho Thủ tướng Angela Merkel. Với 4 nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp kể từ năm 2005, bà Angela Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, dẫn dắt nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua những thời điểm khó khăn, để lại nhiều thành tựu cả về đối nội và đối ngoại. Được đánh giá là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu, bà Merkel đã đưa Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và nước Đức trở thành biểu tượng của hòa bình và hòa hợp.

7. Tân Tổng thống Mỹ với nhiều chính sách mới
Với chủ trương “kết thân đối tác, thăm dò đối thủ”, Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ tham gia trở lại một loạt tổ chức đa phương và thỏa thuận quốc tế, củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, xây dựng các liên minh nhằm tối đa hóa lợi ích và khôi phục vị thế quốc tế của Mỹ.
Về đối nội, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD, thúc đẩy thông qua 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng đạn và thực hiện một số cam kết về vấn đề nhập cư.
8. Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện khá giả
Trung Quốc đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản (ngày 1-7-1921) và Thông qua nghị quyết lịch sử thứ 3 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIX bằng việc khẳng định hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện khả giả và bước vào chặng đường mới xây dựng toàn diện nhà nước XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào năm 2049.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; đạt tổng khối lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
9. AUKUS - cuộc cải tổ cấu trúc an ninh quốc tế
Mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ, Anh và Australia (gọi tắt là AUKUS) được ra mắt vào giữa tháng 9-2021 đã trở thành tâm điểm chú ý về an ninh quốc tế trong năm qua. Cấu trúc an ninh mới này đã gây ra nhiều mâu thuẫn giữa những người đồng minh phương Tây. Giới chuyên gia đánh giá, AUKUS là một “minh chứng sống” cho thấy những rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương truyền thống, đồng thời khẳng định nhu cầu chuyển dịch cục diện địa - chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các cường quốc.

10. Chặng đường “hồi sinh” JCPOA luôn gập ghềnh
Năm qua có nhiều “luồng gió mới” khơi dậy triển vọng khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Qua 6 vòng đàm phán tích cực, vòng đàm phán thứ 7-2021 gây nhiều thất vọng với phương Tây và cả Iran. Khi thiện chí mới nhen nhóm thắp lên thì những cáo buộc lẫn nhau lại nổ ra, đẩy tiến trình “hồi sinh” JCPOA thêm một lần đi vào con đường gập ghềnh. Song, giới chuyên gia lạc quan rằng, những “trục trặc” trong quá trình đàm phán là điều tất yếu, trong khi thực tiễn chỉ ra rằng, dù còn bất đồng nhưng “hồi sinh” JCPOA là mục tiêu cấp thiết chung nên các bên sẽ cố gắng đạt được tiếng nói chung nhằm ngăn ngừa những diễn biến bất ổn đối với vận mệnh của mình.
Thanh Trúc (tổng hợp)