Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Biên phòng - Cùng với “bóng đen” dịch Covid-19, thế giới trong năm qua đã chứng kiến thêm nhiều bất ổn khác. Song, nhiều “bước tiến” về hòa bình, hợp tác cũng xuất hiện đem tới niềm hy vọng to lớn vào một tương lai tươi sáng hơn. Báo Biên phòng giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện quốc tế nổi bật do truyền thông quốc tế bình chọn.

“Bóng đen” dịch bệnh bao trùm toàn thế giới trong năm 2020. Ảnh: EPA-Elta

“Bóng đen” Covid-19

Khởi đầu cho những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ngay những ngày đầu năm 2020 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, hàng loạt “ổ dịch” bùng phát khắp thế giới, reo rắc bao nỗi tang thương. Sau 1 năm hoành hành, dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, vượt mốc 80 triệu ca nhiễm, cướp đi sinh mạng của gần 1,8 triệu người. Trong khốn khó, nhân loại đã cơ bản đoàn kết chống “kẻ thù chung”, mở ra “ánh sáng cuối hầm tối” khi đã có nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 được phát triển và khẩn trương tiêm chủng diện rộng tại một số quốc gia trong những ngày cuối năm.

Đòi “quyền sống cho người da màu”

Chuối ngày bạo loạn tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ trong phong trào quyền sống cho người da màu. Ảnh: AP

Dẫu dịch Covid-19 khiến phần lớn thế giới phải giãn cách, song, bất ổn không chịu “ngồi yên”. Tại Mỹ vào tháng 6, bất chấp sự lây lan của đại dịch Covid-19, làn sóng chống phân biệt chủng tộc bùng nổ với hàng loạt cuộc biểu tình, bạo loạn quy mô lớn sau khi người đàn ông gốc Phi George Floyd bị sát hại bởi cảnh sát. Phong trào đòi “quyền sống cho người da màu” tiếp đó nhanh chóng lan rộng sang nhiều quốc gia và châu lục.

Mối quan hệ liên Triều

Thời khắc Văn phòng Liên lạc liên Triều bị phá hủy. Ảnh: KCNA

Trong tháng 6, thế giới choáng ngợp trước đoạn video clip ghi lại cảnh tượng chính quyền Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều và tuyên bố không cần đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc nữa. Động thái này thể hiện thái độ “thất vọng” của Triều Tiên trước bối cảnh quan hệ liên Triều vẫn bế tắc. Sau 2 năm đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ, triển vọng hòa bình bền vững giữa 2 miền Triều Tiên gần như đã sụp đổ.

“Báo động đỏ” về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Quốc hội Pháp trong phút mặc niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố bằng dao ở Nice xảy ra hôm 29-10. Ảnh: AFP

Nước Pháp và cả thế giới rúng động sau 2 vụ khủng bố tàn ác diễn ra trong tháng 10 cùng nhiều vụ tấn công nhỏ lẻ bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nguyên nhân xuất phát từ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ủng hộ tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed – điều báng bổ, cấm kỵ trong đức tin của Hồi giáo. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng đe dọa nhiều quốc gia châu Âu khác, nổi cộm nhất là vụ khủng bố ở Vienna, Áo vào đầu tháng 11 khiến 4 người thiệt mạng cùng 20 người bị thương.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bất thường nhất lịch sử

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris trong thời khắc tuyên bố thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 46 là một “tâm điểm” toàn cầu kéo dài nhiều tháng với nhiều diễn biến phức tạp, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc và có phần hỗn loạn trong chính trường Mỹ. Đỉnh điểm là khi thất bại, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố, đây là cuộc bầu cử gian lận nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng nhóm chuyển giao quyền lực “bận rộn” chuẩn bị kế nhiệm, chính quyền Tổng thống Trump vẫn tuyên bố rộng rãi với quốc tế rằng, ông Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2. Dù còn quá nhiều rối ren với một cuộc chiến pháp lý chưa đi đến hồi kết, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đã gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Nga thống nhất cao việc định vị lại quốc gia

Tổng thống Nga Vladimir Putin làm thủ tục khi ông đi bỏ phiếu cải cách Hiến pháp. Ảnh: Sputnik

Đầu tháng 7, Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực sau khi các cải cách Hiến pháp nhận được sự ủng hộ áp đảo của cử tri Nga với kết quả bỏ phiếu lên tới 77,92%. Với Hiến pháp sửa đổi, Nga bắt đầu công cuộc định vị lại quốc gia với sự thay đổi đáng kể cấu trục quyền lực nhà nước, tạo ra nền tảng quan trọng và thực chất để đạt những bước tiến vượt bậc trong giai đoạn mới. Một trong những điểm nổi bật thu hút sự quan tâm rất lớn trong dư luận là việc tính nhiệm kỳ Tổng thống. Theo đó, số nhiệm kỳ của các cựu và đương kim Tổng thống sẽ được tính lại từ đầu, nên Tổng thống đương chức Vladimir Putin có thể có thêm 2 nhiệm kỳ nữa sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp của mình vào năm 2024.

Triển vọng hòa bình Afghanistan

Đại diện đặc biệt của Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar ký Hiệp định hòa bình giữa Mỹ và Taliban. Ảnh: AP

Năm 2020 ghi dấu ấn quan trọng với những ai khao khát hòa bình ở Afghanistan. Sau gần 2 thập kỷ xung đột, Mỹ và phiến quân Taliban đã đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 2, mở đường cho hồi kết cuộc chiến dai dẳng nhất nước Mỹ. Đồng thời, tạo nền tảng cho đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan bắt đầu vào giữa tháng 9. Dù đã hơn 3 tháng đàm phán không có kết quả, song, sự kiên trì duy trì đàm phán của cả hai bên cho thấy, Afghanistan cần một giải pháp chính trị thay vì tiếp tục nỗi tang thương chiến tranh.

4 quốc gia Arab bình thường hóa với Israel

Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan (từ trái sang) tại Lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng, Mỹ ngày 15-9. Ảnh: AFP

Kể từ tháng 8 đến tháng 12, liên tiếp có 4 nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel dưới sự trung gian của Mỹ gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc. Dù trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel đang được xem là “hiệu ứng domino” khi dự báo sẽ có thêm nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực tiến hành. Dự kiến, trong tháng 1-2021 sẽ có thêm một quốc gia Hồi giáo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

ASEAN đạt cột mốc lịch sử với việc ký kết RCEP. Ảnh: ASEAN

Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Hiệp định được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác vào ngày 15-11 sau 8 năm đàm phán đã mở ra những triển vọng phát triển thịnh vượng của toàn cầu nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Đây là cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, kỳ vọng là “động lực” mạnh mẽ để phục hồi nền kinh tế thế giới, vốn đang trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai bởi dịch Covid-19.

Đạt thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố Anh và EU đã đạt được thỏa thuận Brexit. Ảnh: Boris Johnson

Cuộc “ly hôn” giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã có “cái kết” đẹp với việc đạt được thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) khi chỉ còn 1 tuần là kết thúc quá trình chuyển tiếp vào 31-12. Bày tỏ niềm vui khi đạt được thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng lên trang mạng xã hội cá nhân một bức ảnh ông giơ 2 tay cùng mang biểu tượng chiến thắng với nụ cười rạng rỡ kèm dòng chữ: “Thỏa thuận đã xong”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, thỏa thuận Brexit “công bằng, cân bằng và đúng đắn”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO