Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 01:19 GMT+7

10 giờ vật lộn với sóng dữ cứu tàu cá gặp nạn

Biên phòng - Lần đầu tiên, Hải đoàn 48 BĐBP sử dụng tàu công suất lớn mới được biên chế để vượt sóng cấp 8 đi cứu nạn ngư dân trên biển. Trước đó, những chiếc tàu Grip gặp khó khăn khi ra khơi trong điều kiện sóng lớn như vậy. Sau gần 10 giờ vật lộn trên biển, tàu cá QNg92821TS cùng 4 ngư dân đã được tàu BP 48-01-06 của Hải đội 1, Hải đoàn 48 BĐBP đưa vào bờ an toàn.

Tàu của Hải đoàn 48 BĐBP lai dắt cứu nạn thành công tàu cá và ngư dân bị nạn trên biển trở về đất liền. Ảnh: Hải đoàn 48 BĐBP cung cấp

Hải trình vượt sóng

“Tới gần tàu bị nạn, nhưng quan sát mặt biển thì không thấy gì, biển mù mịt, sóng cao như mái nhà, anh em lên máy Icom thì vẫn nghe tiếng thuyền trưởng nhưng tàu thì không nhìn thấy” - Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên, thuyền trưởng tàu BP 48-01-06, Hải đội 1, Hải đoàn 48 BĐBP kể về giây phút đi cứu tàu ngư dân bị nạn vào ngày 14/10.

Khi nghe tin tàu bị nạn nằm cách đất liền khoảng 40 hải lý, vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 14/10, tàu BP 48-01-06 được lệnh xuất bến tại cầu cảng thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trên tàu có 13 cán bộ, chiến sĩ. Trong ca bin, Thượng úy Nguyên liên tục nghe hệ thống bộ đàm nội bộ thông báo về máy tàu, tốc độ từ máy trưởng là Thượng úy Phù Tiến Bình. Thượng úy Bình cũng từng trải qua nhiều chiếc tàu, nhưng khi công tác trên con tàu BP 48-01-06, anh luôn tỏ vẻ phấn khởi. Bởi dưới hầm tàu là 2 cỗ máy Caterpillar đang vận hành từ 50-75% công suất, âm thanh của máy phát ra đầy mạnh mẽ như cặp ngựa chiến.

Tàu vừa ra khỏi cửa đã bắt đầu tăng tốc. “Tốc độ 25 hải lý/giờ, tiến!”, tiếng thuyền trưởng vang lên và vọng xuống bộ đàm nội bộ dưới khoang máy. Chiếc tàu xé sóng lao về phía trước, với tốc độ này, con tàu đang di chuyển ngang với các tàu tuần tra cao tốc của Cảnh sát Biển. Do thân tàu được thiết kế lướt sóng, vì vậy mới chạy một nửa công suất, chiếc tàu đã “đè trên sóng”, trong khi nếu vận hành những chiếc tàu thế hệ trước đó, thuyền trưởng phải giảm tốc độ xuống 7 hải lý/giờ để tàu “lách sóng”. Đây chính là lợi thế của tàu cứu hộ loại lớn và có công suất máy mạnh.

Con tàu BP 48-01-06 trực chỉ một đường thẳng ra khơi. Tiếng của ông Lê Văn Kiệt, thuyền trưởng tàu bị nạn thỉnh thoảng lại vang lên hỏi thăm: “Anh em đã tới đâu rồi? Trên biển sắp có bão, mong anh em ráng tới nơi…”. Thuyền trưởng tàu Biên phòng phải liên tục trấn an các thuyền viên trên tàu cá bình tĩnh chờ tàu cứu nạn đến.

Chiếc tàu đánh cá của ông Kiệt trên đường từ ngoài khơi trở về đất liền tránh bão và đã bị hỏng máy, trôi dạt trên biển. Các ngư dân cho biết, họ đã thả chiếc neo với sợi dây dài 300 mét xuống biển, nhưng neo bị dính chặt dưới đáy biển nên ngư dân phải cắt dây và cho tàu trôi tự do.

Chặng đường đầu tiên đi cứu nạn của tàu BP 48-01-06 khi rời cửa biển Quy Nhơn dù gặp sóng lớn, nhưng con tàu vẫn lướt êm. Đến khi con tàu ra cách bờ khoảng 10 hải lý thì tàu bắt đầu “đụng” sóng lớn. Lúc này, tiếng sóng át cả tiếng máy tàu. Âm thanh “bùm… bùm… phù… phù” vang lên khi thân tàu va vào sóng. Tiếng gió cũng tạo ra những âm thanh nghe đầy lạnh lùng. Dưới bầu trời xám xịt, mây vần vũ bay rất nhanh và hạ thấp trên đầu, chiếc tàu vẫn rẽ sóng. Đụng sóng lớn, thuyền trưởng phải bắt đầu cho tàu tăng, giảm tốc độ để đi ngang lượn sóng.

“Sóng lớn lắm, cột sóng cao từ 3-3,5 mét, sóng phủ luôn lên cột cờ của tàu, trùm lên hết mũi tàu” - Thượng úy Nguyên cho biết. Toàn bộ 13 cán bộ, chiến sĩ trên tàu dõi mắt về phía trước, mỗi khi con tàu bị sóng ập vào mũi, thuyền trưởng xoay bánh lái để thân tàu trườn trên sóng, cắt một góc xéo để con tàu chệch khỏi hướng bổ nhào của sóng lớn.

Tìm phương án cứu nạn tối ưu

Thuyền trưởng Nguyên, sinh năm 2000, quê ở vùng ven biển thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ cũng đã quen với cuộc sống sông nước. Đến năm 2011, anh nhập ngũ và năm 2015, anh bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trên những con tàu, từng giữ cương vị thuyền trưởng tàu BP 48-01-03. Anh cho biết, những năm trước đây, anh đã nhiều lần lái tàu đi tuần tra trên biển, tham gia đấu tranh chống buôn lậu. Lúc đó, tàu loại nhỏ, nhưng vẫn ra khơi lúc thời tiết xấu nên đã quen với các tình huống phải khắc chế sóng dữ.

Những chuyến đi trước đây, thuyền trưởng Nguyên đã nhiều lần điều khiển tàu Grip tiếp cận tàu chở hàng lậu để bắt giữ; hoặc tiếp cận hỗ trợ tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển. Nhưng nhiệm vụ cứu nạn lần này gian truân hơn nhiều bởi hành trình khá xa so với đất liền, yêu cầu tác chiến khẩn trương và phải trực tiếp cứu kéo tàu cá loại lớn trong điều kiện thời tiết xấu.

Càng ra khơi, sóng càng lớn, nhưng anh em không quá nóng lòng, vẫn cho mũi tàu bám trên lưng các lượn sóng và kiên định cho tàu tiến ra ngoài khơi. Âm thanh xào xào của nước biển khi trùm lên phía trước, cản mũi con tàu hòa lẫn tiếng gọi Icom của các ngư dân trên tàu bị nạn, tất cả tạo ra một khung cảnh giống như sắp bước vào một trận đánh.

Những năm trước đây, tàu tuần tra Grip được trang bị cho BĐBP, khi ra khơi cứu nạn, việc thao tác ném dây, buộc lai dắt hoàn toàn thực hiện thủ công và sử dụng dây có đường kính chỉ có khoảng phi 20, quá trình cứu kéo thường bị đứt dây và lúc đó, mọi thứ lập tức trở nên nhốn nháo, vì sợ dây quấn vào chân vịt.

Còn chiếc tàu này khá hiện đại, boong trước và boong sau rộng, đủ chỗ chứa để đặt cuộn dây có đường kính lên tới phi 42, dây được gấp đôi để lai dắt tàu. Trong lúc kéo, sóng lớn nên có lúc tốc độ hải trình hạ xuống chỉ có 3-4 hải lý/giờ, tuy nhiên dây không bị đứt.

Những cán bộ trên tàu Biên phòng cho biết, vì tàu lớn nên khi tới nơi có thể cập mạn được tàu bị nạn, vài anh em lựa lúc 2 tàu vừa ập nhẹ vào nhau thì “bay người qua” để tiếp cận các ngư dân. Lực lượng cứu nạn phải nắm rõ tình trạng sức khỏe ngư dân, nếu có ai cần cấp cứu thì đưa sang tàu Biên phòng. Bên cạnh đó là xem xét tình trạng hư hỏng tàu cá, khả năng vận hành của thuyền trưởng, đưa ra những phương án để hai bên thống nhất trong quá trình lai kéo tàu, tránh không để dây kéo bung ra và quấn vào chân vịt. Quá trình lai dắt trên biển, nếu bị dây quấn vào chân vịt thì đó là tình huống chết người.

Sau 10 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng biển, vào lúc 23 giờ, ngày 14/10, tàu cá QNg92821TS bị nạn được đưa về cảng Quy Nhơn. Thượng tá Đoàn Anh Tiến, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 BĐBP đã xuống thăm hỏi, tặng quà ngư dân, động viên thuyền trưởng sớm khắc phục lại tàu cá để trở lại bám biển, sản xuất, tích cực tham gia cùng BĐBP gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO