Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 17/06/2024 07:27 GMT+7

Những giúp đỡ to lớn của bè bạn năm Châu

Biên phòng - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bầu bạn trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Với chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn và sáng tạo của Đảng, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ giúp đỡ cả về chính trị, tinh thần, lẫn vật chất của bạn bè năm châu, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em.

Sau khi miền Bắc vừa giải phóng, Đảng và Chính phủ đã sớm coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, hai đồng minh chiến lược và là chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam. Các nước đã được Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm đặt Đại sứ quán tại Hà Nội. Đảng, Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương đặt Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và chủ động cử nhiều đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Quân đội... đi thăm các nước.

Mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô tháng 7-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một trang sử mới trong quan hệ đồng minh chiến lược với các nước XHCN. Ngay trong chuyến thăm lịch sử này, Liên Xô và Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam về mặt kinh tế để ổn định đất nước, khôi phục nền kinh tế đã bị tàn phá trong chiến tranh và nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, Liên Xô còn giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia tại các trường kỹ thuật trung cao cấp ở nước này và giúp tổ chức đào tạo chuyên gia tại các trường Việt Nam.

50-1.jpg
Ngày 8-2-1965, nhân dân Thủ đô Mát-xcơ-va (Liên Xô) mít-tinh ủng hộ nhân dân Việt Nam.
 
Tiếp đó là các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng... dẫn đầu đến thăm và làm việc với nhiều nước trên thế giới. Quan hệ với Lào, Cam-pu-chia, các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng.

Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công việc chung của quốc tế, đồng thời biểu thị quan điểm ra sức góp phần bảo vệ hòa bình thế giới và duy trì đoàn kết quốc tế.

Những thành quả mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã tạo nên thiện cảm, sự đồng tình ủng hộ của bạn bè năm châu đối với nhân dân ta. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao của các nước đã đến thăm, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta như Liên Xô (5-1957), In-đô-nê-xi-a (8-1959), Miến Điện (1957), Bun-ga-ri (10-1958), Trung Quốc (5-1960), Ghi-nê (9-1960), An-ba-ni (1960)...

Về viện trợ kinh tế, theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn 1954-1964, Chính phủ ta đã ký kết các thỏa thuận với Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ. Theo đó, trong 2 năm, Liên Xô đã giúp ta các thiết bị máy móc, kỹ thuật trị giá 306 tỉ đồng Việt Nam, để khôi phục và phát triển 25 xí nghiệp. Trung Quốc giúp Việt Nam khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng các nhà máy dệt, thuộc da, giấy... trị giá 1.224 tỉ đồng Việt Nam trong 5 năm (1955-1960). Mông Cổ giúp ta 500 tấn thịt, một số bò và cừu để lập một nông trường chăn nuôi. Tính đến cuối năm 1962, Liên Xô đã viện trợ cho ta 1.400 triệu rúp, giúp xây dựng 34 nhà máy lớn, 19 nông trường, cải tạo 27 nông trường và một số trường đại học, một bệnh viện lớn... Trên các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác như Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, CHDC Đức... luôn tạo những điều kiện thuận lợi để mở rộng, phát triển các chương trình hợp tác về văn hóa, đào tạo cán bộ chuyên môn và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam. Các hiệp định mậu dịch cũng được ký kết, tạo thuận lợi cho mở rộng giao lưu buôn bán giữa Việt Nam với các nước trong hệ thống XHCN. Nguồn vật chất to lớn này đã góp phần giúp Việt Nam hoàn thành thắng lợi các kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa thời kỳ sau năm 1954.

Về viện trợ quân sự, trong 10 năm từ 1954 đến 1964, nhân dân Việt Nam đã nhận được tổng khối lượng vật chất là 119.790 tấn, bao gồm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự, lương thực, thực phẩm, thuốc men, y cụ. Bên cạnh đó, các nước XHCN còn trực tiếp giúp ta vốn, trang thiết bị khoa học-kỹ thuật, cử các đoàn chuyên gia thường xuyên sang giúp xây dựng các công trình công nghiệp, quốc phòng, dân sinh. Chỉ tính riêng về công trình quân sự, đến cuối năm 1964, các nước Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Hung-ga-ri đã giúp ta hàng loạt công trình, với số vốn lên tới hàng chục triệu rúp như: Xưởng sửa chữa pháo và khí tài quang học (Z1) tỉnh Yên Bái; xưởng sửa chữa đạn (Z2) tỉnh Tuyên Quang; sân bay Nội Bài; trường Đại học Quân chính; phòng thí nghiệm cơ lý hóa vật liệu Trung ương... Bằng tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp, các công binh xưởng trên miền Bắc và ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN, để phát triển lực lượng bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bên cạnh sự ủng hộ to lớn về vốn, khoa học - kỹ thuật, là sự ủng hộ về mặt chính trị, tinh thần của các nước bạn bè thế giới đối với Việt Nam. Đảng và nhân dân ta luôn cho rằng, sự ủng hộ về chính trị, tinh thần của các nước XHCN và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược có vai trò cực kỳ quan trọng. "Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự phát triển của cách mạng thế giới, gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, trước hết là của giai cấp công nhân và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác". Chủ trương của Đảng là Việt Nam phải gắn với thế giới, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với nội lực bên trong, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đảm bảo đánh thắng kẻ thù. Để thực hiện được mục tiêu đó, công tác đối ngoại phải đi tiên phong, giữ trọng trách chính để làm sáng tỏ tính chất chính nghĩa cuộc đấu tranh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần tập hợp và mở rộng lực lượng quốc tế; từng bước chuyển hóa thế trận đấu tranh, phân hóa, cô lập kẻ thù trên trường quốc tế.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng chủ trương giương cao ngọn cờ pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của tất cả các nước đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta; lên án Mỹ và chính quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm đàn áp, khủng bố đẫm máu phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Hoạt động của các kênh đối ngoại đã phát huy hiệu quả to lớn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã có các hoạt động thiết thực của lãnh đạo và nhân dân ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ngày 22-11-1956, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai đã ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ, đang dùng mọi cách ngăn cản việc thống nhất Việt Nam, hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, khẳng định nhân dân Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam, chống việc phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời kêu gọi các nước tham gia ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, phải có trách nhiệm ngăn chặn những hành động phá hoại của Mỹ-Diệm.

Ngày 20-3-1957, Chính phủ Tiệp Khắc ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ lập trường của Chính phủ Việt Nam, đòi các nước hữu quan phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi Hiệp định phải được thi hành nghiêm chỉnh. Tương tự, ngày 6-4-1957, Chính phủ Ba Lan cũng ra tuyên bố ủng hộ lập trường của Chính phủ ta và đòi các bên hữu quan phải tôn trọng và triệt để thi hành Hiệp định. Ngày 21-1-1959, thay mặt Chính phủ CHDC Đức, Thủ tướng Ốt-tô Gơ-rốt-tơ-von đang ở thăm Việt Nam, cũng kiên quyết lên án sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam, nhằm phá hoại hoà bình, chia cắt đất nước, đàn áp và khủng bố dã man những người yêu nước. Ngày 4-1-1962, Liên Xô tuyên bố: "Liên Xô không thể làm ngơ trước những hành động xâm lược của giới quân phiệt ở miền Nam Việt Nam. Liên Xô ủng hộ cuộc đấu tranh hợp pháp của nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ lập tức đình chỉ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và rút nhân viên quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhân dân Liên Xô tin chắc rằng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cho tự do và độc lập dân tộc, thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình và dân chủ, sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn. Tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do trên thế giới đều đồng tình và ủng hộ nhân dân Việt Nam".

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, từ các nước XHCN đến các nước dân tộc chủ nghĩa. Phong trào ở các nước Bắc Âu sôi động và có ảnh hưởng rất lớn. Phong trào chống chiến tranh của nhân dân Mỹ cũng phát triển mạnh. Từ tháng 8-1964, sau khi Mỹ gây ra "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", sau đó phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam, ta đã mở một cuộc tiến công mới, tố cáo, lên án hành động chiến tranh của Mỹ. Nhiều Chính phủ, nhân sỹ, trí thức nổi tiếng, các tổ chức dân chủ hòa bình, các tổ chức xã hội, tôn giáo... và nhân dân các nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ ngày 7 đến ngày 11-8-1964, hơn 20 triệu nhân dân các địa phương của Trung Quốc đã xuống đường tuần hành thị uy, ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ, thể hiện tình hữu nghị chiến đấu của 650 triệu nhân dân Trung Quốc với Việt Nam. Ngày 27-11-1964, Chính phủ Liên Xô khẳng định lập trường: "Liên Xô kiên quyết lên án những hành động xâm lược  tiến hành bằng máy bay của Mỹ trên lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đòi chấm dứt mọi hoạt động khiêu khích tương tự chống lại nhân dân Việt Nam... Những kẻ đang nuôi dưỡng mưu đồ phiêu lưu ở bán đảo Đông Dương, cần phải biết rằng: Liên Xô sẽ không thể làm ngơ trước vận mệnh của một nước XHCN anh em và Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam mọi sự cần thiết". Từ ngày 25 đến 28-11-1964, theo sáng kiến của tổ chức Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội nghị quốc tế "Nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình" họp tại Hà Nội, với 64 đoàn đại biểu của 52 nước và 12 tổ chức quốc tế tham dự, thể hiện ý chí đoàn kết với Việt Nam, đánh dấu bước đầu hình thành Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

Nhìn một cách tổng quát, với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước XHCN anh em. Các nhân tố quốc tế được chuyển hóa thông qua vai trò quyết định của yếu tố bên trong, tạo ra sức mạnh tổng hợp mà ở đó đã được kết hợp chặt chẽ và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc và thời đại, với tinh thần tự lực, tự cường.

Thực lực càng được bồi đắp thì việc Việt Nam tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ giúp đỡ quốc tế càng thêm nhiều thuận lợi. Chính sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng sự ủng hộ và giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của bạn bè quốc tế, đặc biệt từ các nước XHCN anh em, nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế; sẵn sàng đối phó hiệu quả với việc mở rộng chiến tranh ra cả nước của đế quốc Mỹ.

Văn Quyền - Hà Phương

Bình luận

ZALO