
Ấn Độ xây hàng rào biên giới với hai nước láng giềng là Pakistan và Bangladesh. Hàng rào dọc biên giới với Bangladesh được xây dựng với mục đích ngăn người nhập cư Bangladesh vào Ấn Độ. Quyết định lập hàng rào biên giới được đưa ra vào những năm 1980, khi vấn đề người Hồi giáo Bangladesh di cư gây tranh cãi chính trị tại bang Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ. Các cuộc biểu tình và xung đột vũ trang giữa bộ lạc bản địa Bodos và người Hồi giáo Bangladesh tại Assam đã thu hút sự chú ý của chính phủ Ấn Độ về những tác động từ sự di cư của người Hồi giáo tới vấn đề nhân khẩu học, bầu cử và việc làm. Trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng tại bang Assam, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt các biện pháp bao gồm xây dựng hàng rào biên giới.
Ấn Độ và Bangladesh có chung đường biên giới dài 4.097 km đi qua nhiều vùng đồng bằng, đồi núi, sông suối và đồng ruộng. Khu vực biên giới hai nước tập trung đông dân cư và diễn ra nhiều hoạt động qua lại. Hàng rào dây thép gai được dựng lên cao 2,5 m, chạy dọc khoảng 70% đường biên giới hai nước và có bố trí dòng điện tại một số điểm. Tuy nhiên, hàng rào không thể ngăn cản người di cư Bangladesh vượt qua cuộc hành trình nguy hiểm sang Ấn Độ để thăm họ hàng hoặc cải thiện sinh kế. Những kẻ buôn lậu, vận chuyển ma túy, buôn người và gia súc từ hai bên vẫn tiếp tục đi qua đường biên giới. Lính gác biên giới Ấn Độ và Bangladesh thường thông đồng với các hoạt động này.
Một số nhà nghiên cứu về di cư cho rằng hàng rào khó có thể ngăn chặn việc di cư do đường biên giới dài và được bảo vệ lỏng lẻo. Tại những nơi sông suối (đường biên giới trên sông khoảng 1.116 km) không được trang bị hàng rào. Mặc dù tàu tuần tra được triển khai trên sông nhưng người dân vẫn có thể vượt biên. Bên cạnh đó, tại một số cửa khẩu biên giới, người dân có thể sử dụng giấy tờ giả hoặc hối lộ để vượt qua biên giới. Một tên khủng bố bất kỳ có thể đi qua các cửa khẩu một cách dễ dàng. Do hàng rào hoạt động thiếu hiệu quả nên chính phủ Ấn Độ đã sử dụng biện pháp bạo lực để kiểm soát người di cư và tội phạm. Cảnh sát biên giới đã bắn hạ nhiều người vượt biên trái phép. Một số người dân trồng trọt xung quanh đường biên giới hoặc thăm họ hàng đã bị cảnh sát nhận dạng nhầm là người vượt biên.
Các chuyên gia phân tích nhận xét hàng rào biên giới giúp tạo dựng hình ảnh một chính phủ cứng rắn với các hành động mạnh mẽ để bảo vệ người dân. Nhưng thay vì ngăn chặn người di cư, hàng rào biên giới khiến người lao động không quay về nước, cuộc sống của họ trở nên bấp bênh hơn, làm gia tăng dân nhập cư bất hợp pháp.
Việc xây dựng hàng rào biên giới của Ấn Độ tác động tiêu cực tới mối quan hệ với Bangladesh. Hàng rào được coi là bước đi thiếu thiện chí, là biểu tượng của sự ngờ vực ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Tạp chí tin tức Himal của các nước Nam Á số ra năm 2008 cho rằng hàng rào “tạo nên biên giới cứng nhắc và phi lý đối với lịch sử của các dân tộc Nam Á”.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang hướng tới các nước láng giềng gồm Bhutan, Nepal, Myanmar và Bangladesh. Trong đó, nước này có kế hoạch xây dựng tuyến đường nối liền các nước cùng chung biên giới nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác giữa các dân tộc trong khu vực. Đề xuất xây dựng đường giao thông và tuyến đường sắt xuyên quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện. Thế nhưng, hàng rào biên giới đang đi ngược lại với tinh thần và nỗ lực hợp tác trong khu vực.

Trong tương lai, hàng rào biên giới của Ấn Độ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề khu vực nói chung và Bangladesh nói riêng đang phải đối mặt. Bangladesh là quốc gia nằm trong khu vực vùng trũng. Một phần năm lãnh thổ Bangladesh sẽ chìm trong nước nếu mực nước biển dâng cao 1 m, hiện tượng nước biển dâng dự kiến có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này. Trong khi đó, lãnh thổ Ấn Độ bao quanh trên ba mặt đất nước Bangladesh. Số phận người dân Bangladesh vẫn chưa thể định rõ nếu nhà cửa và đất đai của họ ngập trong nước.
Ấn Độ không thể làm ngơ trước tác động của hiện tượng nước biển dâng khi một số nghiên cứu đã liệt kê nước này và Bangladesh nằm trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa Ấn Độ và Bangladesh trong vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu. Biện pháp trước mắt là dỡ bỏ hàng rào biên giới. Tuy nhiên, việc tháo dỡ đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và đổi mới trong tư duy của chính phủ Ấn Độ. Trên hết, chính phủ Ấn Độ cần nhìn nhận rằng hàng rào biên giới Ấn Độ - Bangladesh chưa mang lại nhiều lợi ích cho người dân cả hai nước.
Hà Thu (Lược dịch từ The Diplomat)
Bình luận
Bắc Cực - “Điểm nóng” của cuộc chiến giành chủ quyền
Tổng thống Mỹ cảnh báo sẵn sàng đóng cửa biên giới với Mexico
Sudan và Nam Sudan thỏa thuận giải quyết tranh chấp biên giới
Eritrea và Ethiopia: Cơ hội chấm dứt 2 thập kỷ xung đột